Giới thiệu chung

Quá trình hình thành và phát triển

04:47 Ngày 24/04/2017

I. Sơ lược về lịch sử hình thành.

    Nhà máy Đường Việt trì trước kia- tiền thân của Công ty cổ phần Bia rượu Viger ngày nay, được khởi công xây dựng ngày 01 tháng 7 năm 1959 và hoàn thành vào đúng dịp Kỷ niệm 71 năm ngày sinh nhật Bác (ngày 19-5-1961). Nhà máy đường cùng với 4 nhà máy khác là những đơn vị đầu tiên nằm trong khu công nghiệp phía Nam Việt trì- một trong những khu công nghiệp đầu tiên trên miền Bắc XHCN. 132 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 664, Sư đoàn 338 thuộc Tình nguyện quân Khomer, là những người đầu tiên có mặt tại Việt Trì vào ngày 07/11/1958 để tham gia xây dựng nhà máy và sau này đã ở lại để vận hành sản xuất. Trong ký ức của những người đặt nền móng xây dựng nhà máy Đường Việt Trì ngày ấy vẫn còn nhớ như in, ngày 13/4/1959 trong khuôn viên xây dựng nhà máy, Bác Hồ đã về thăm khu công nghiệp Việt Trì. Tại đây, Người đã động viên, căn dặn các cán bộ, chiến sỹ, công nhân lao động “Hãy nô nức làm việc để khu công nghiệp Việt Trì sớm đi vào sản xuất, góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc giàu mạnh, chi viện cho đồng bào niền Nam đấu tranh thống nhất đất nước”. 

    Sau gần 2 năm lao động quên mình với bao khó khăn, vất vả trong nắng gió để cho ra đời một khu liên hợp: Đường, điện, giấy, hoá chất, mỳ chính, hình thành nên một khu công nghiệp bề thế ở phía Nam Việt Trì. Phấn khởi trong niềm tự hào, niềm vui vô hạn của những người xây dựng công trình là những hạt đường, lít cồn- những sản phẩm đầu tiên ra đời đúng vào đúng ngày 19/5/1961. Đây là món quà thiết thực Mừng thọ Bác Hồ 71 tuổi, đồng thời là bó hoa đẹp vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt -Trung. Thời kỳ này nhà máy trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ - Bộ Lương thực - thực phẩm và nay thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
    Nhà máy bao gồm dây chuyền thiết bị sản xuất đường với công suất thiết kế 350 tấn mía cây/ngày và 3.000 lít cồn/ngày, được thiết kế đồng bộ, quy trình khép kín. Khi mới đi vào hoạt động, để có đủ nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch nhà máy đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía trên 03 tỉnh là: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây với diện tích trên 1.000 ha. Từ năm 1961 đến 1965 nhà máy sản xuất luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, đời sống công nhân viên chức được nâng cao, phong trào thi đua lao động sản xuất được đẩy lên thành cao trào, vụ sản xuất 1963-1964 đạt sản lương cao nhất với 69.000 tấn mía cây, hơn 5.000 tấn đường. Trong thời gian này, các phong trào: Công đoàn, thanh niên, lĩnh vực văn hóa thể thao, xây dựng đời sống văn hóa mới diễn ra khá sôi động trong toàn nhà máy. Với những thành tích đạt được, nhà máy đã vinh dự được Chính phủ tặng Huân chương Lao dộng hạng Ba. 

II. Giai đoạn chống mỹ cứu nước.    
    Tháng 5/1966 đến tháng 12 /1972, giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh cục bộ đánh phá miền Bắc trong đó có khu công nghiệp Việt Trì, nhà máy đường là một trong những mục tiêu đánh phá của địch. Trong thời gian này, để sản xuất, tiêu thụ hết sản lượng mía cho nông dân đảm bảo thời vụ và hoàn thành kế hoạch giao, có sản phẩm đường phục vụ quân đội và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhà máy đã phải 02 lần tháo dỡ, di dời, triển khai phương án 2 sản xuất thủ công tại các vùng nguyên liệu bao gồm hơn 40 điểm tại 3 tỉnh. Trong những năm tháng khó khăn gian khổ, lực lượng cán bộ, công nhân phân tán, phải xa nhà máy, xa gia đình, đời sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” “miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”, “ Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, tất thảy cán bộ, công nhân lao động của nhà máy luôn hăng say lao động, sáng tạo vượt qua bao khó khăn, bám địa bàn, bám máy, làm việc tăng ca, thêm giờ, tăng năng suất lao động và rồi “trong cái khó ló cái khôn” phòng kỹ thuật nhà máy đã nghiên cứu cải tiến thành công các lò nấu đường thủ công, giúp giảm giá thành, tăng thu hồi, làm lợi đáng kể cho nhà máy. Đề tài đã được Bộ Công nghiệp công nhận và sau này được chuyển giao công nghệ, áp dụng rộng rãi tại các tỉnh Hà Đông, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung. Lực lượng CBCNVC, người lao động của nhà máy vừa sản xuất, vừa tích cực tham gia chiến đấu, động viên chồng, con em, hăng hái tòng quân đánh giặc; gắn bó với nông dân sản xuất, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất của nhà máy theo kế hoạch Nhà nước giao.
        
    Trong giai đoạn từ tháng 01 năm 1973 đến  tháng 12 năm 1985 nhà máy đi vào khôi phục sản xuất và nâng công suất ép mía lên 500 tấn cây/ngày và 1.000.000 lít cồn/năm. Đây là thời kỳ nhà máy gặp muôn vàn khó khăn do cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài, đời sống của nông dân trồng mía tỉnh Phú Thọ, Hà Tây gặp khó khăn, năng suất mía thấp, vận chuyển xa, giá thu mua thấp, nông dân đòi hỏi chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cây trồng. Từ đó vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp chỉ còn lại ở huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc là chủ yếu, với diện tích trên 500 ha. Không đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy rơi vào tình trạng công nhân chờ mía, sản xuất gián đoạn, lãng phí  phương tiên vận tải. Vì vậy, hàng năm nhà máy phải tổ chức thu mua mía ngoài vùng đầu tư để sản xuất, do vậy làm cho chi phí thu mua cao, sản xuất cầm chừng không đạt công suất mở rộng, đời sống công nhân gặp khó khăn. Cùng với đó, lực lượng cán bộ chủ chốt của nhà máy có nhiều thay đổi do phải trở lại miền Nam thực hiện nhiệm vụ sau giải phóng miền Nam 1975 và do Liên hiệp Mía đường I điều động, dấn đến nguồn nhân lực thiếu. Trong thời kỳ này mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức do nền kinh tế- xã hội đang có đòi hỏi sự chuyển đổi cơ chế quản lý, nhưng dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã có nhiều phương án để duy trì sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, ngoài việc sản xuất đường, cồn còn triển khai sản xuất các loại rượu như Hương hoa, Chanh, Cam, Kem que…phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đặc sản rượu Hương hoa vẫn còn mang thương hiệu đến ngày nay. 

III. Thời kỳ đổi mới, đầu tư và phát triển.    

Từ năm 1986 đến 2003, thực hiện Công cuộc đổi mới của Đảng và Nghị quyết lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú là: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp,, lâm nghiệp, công nghiệp, trong đó  tập trung cho sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Tổ chức lại công tác phân phối lưu thông, ổn định và cải thiện một bước đời sống cán bộ, công nhân và lực lượng vũ tran,g làm tốt công tác giáo dục và rèn luện đảng viên, tập trung củng cố tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, nâng cao năng lực và đổi mới phong cách lãnh đạo”. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cả nước nô nức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là đổi mới toàn diện nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đối ngoại, chủ yếu là kinh tế; thực hiện đổi mới tư duy, trọng tâm là tư duy kinh tế, bố trí lại cơ cấu sản xuất, thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất, xác định nền kinh tế nhiều thành phần; thực hiện đổi mới quản lý- xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đúng vào lúc nhà máy đứng trước những khó khăn chồng chất, cán bộ, đảng viên và người lao động của nhà máy một lần nữa phải gồng mình để vượt qua thách thức, vừa đổi mới cơ chế quản lý theo đường lối đổi mới, vừa giải quyết những tồn tại của cơ chế quản lý cũ để lại và tiếp tục duy trì sản xuất đảm bảo thực hiện kế hoach Nhà nước giao, đồng thời đảm bảo thời vụ, đời sống cho nông dân trồng mía. Vùng nguyên liệu mía tiếp tục phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp mới, nông dân đòi hỏi khắt khe hơn về cơ chế đầu tư, thu mua, vận chuyển, thanh toán, chế độ cho người trồng mía. Cùng với đó, do dây chuyền máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, hỏng hóc gây ách tắc sản xuất, mía về không ép kịp, tình trạng mía chờ máy, công nhân chờ việc, chất lượng mía giảm, thu hồi thấp, chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn, chính sách giá, lương, tiền chi phối. Vùng nguyên liệu tiếp tục gặp khó khăn từ việc khoán 10 đã thực sự làm thay đổi phương thức quản lý trong nông nghiệp; hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ xã viên là đơn vị nhận khoán, đất đai chia thành nhỏ, lẻ, manh mún, người nông dân tự hạch toán  và làm chủ trên ruộng đất của mình. Những nơi đất tốt chuyển trồng cây có giá trị kinh tế cao, đất trồng mía thuộc loại 3, 4 lại ở những nơi chịu nhiều rủi do như lũ lụt, nắng hạn, đường giao thông khó khăn, thiếu bền vững…
       
     Đứng trước tình hình đó, tập thể Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã xây dựng nhiều phương án, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu qủa lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và lực lượng lao động, khắc phục tồn tại, vượt qua khó khăn để đảm bảo sản xuất, để nhà máy trụ vững  trong nền kinh tế thị trường đầy khắc nhiệt, mặt khác tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa nghành nghề sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên. Các phong trào thi đua lao động, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được phát động, duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả cao. Phong trào công nhân viên chức được đẩy mạnh thông qua hoạt đông của các tổ chức quần chúng Công đoàn, Thanh niên, Nữ công, đã đi đầu trong nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, làm chủ máy móc thiết bị, phương tiện, tổ chức tốt các phong trào văn hóa, thể thao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung các nguồn lực để xây dựng, phát triển nhà máy.
            
    Song song với thực hiện nhiệm vụ sản xuất đường, cồn, rượu các loại theo  kế hoạch của Nhà nước giao, năm 1989 nhà máy đã đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất bia hơi 1.000.000 lít/năm, đây là sản phẩm bia hơi đầu tiên tại khu vực phía Bắc trung du Vĩnh Phú.  Mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn hoàn thành và đi vào sản xuất, dây chuyền đã phát huy hết công suất; công tác tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng trong tỉnh Vĩnh Phú và các vùng phụ cận, sản phẩm bia hơi được nhiều khách hàng ưa thích. Đặc biệt, từ khi ra đời sản phẩm bia đã giải quyết có hiệu quả việc bố trí, sử dụng lao động theo mùa vụ của nhà máy và đạt hiệu quả về kinh tế.
        
    Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú, năm 1992 nhà máy đầu tư thay thế dây chuyền sản xuất đường công suất 500 tấn mía cây/ ngày, lên 700 tấn mía cây/ ngày của Trung Quốc. Dây chuyền mới này có quy trình sản xuất khép kín từ khâu ép đến khâu tận dụng bã mía đốt lò hơi cung cấp đủ hơi, điện đủ phục vụ sản xuât và hòa lưới điện Quốc gia, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và năng lượng, giảm chi phí tiêu hao, hạ giá thành sản phẩm. Sau hơn 200 trăm ngày, đêm, miệt mài với sự nỗ lực, cố gắng cao độ của cán bộ, công nhân, lực lượng kỹ thuật của nhà máy cùng với đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Công ty lắp máy LILAMA, cả nhà máy như một công trường, dây chuyền đã được lắp đặt hoàn chỉnh đi vào sản xuất vụ 1993-1994 và đạt hiệu quả như mong muốn, giải quyết kịp thời hàng trăm ha mía, đảm bảo thời vụ sản xuất của các địa phương trồng mía. Dây chuyền đi vào hoạt động ổn định đã tạo niềm tin tưởng, tự hào, phấn khởi cho cán bộ, công nhân và nông dân vùng nguyên liệu mía. Cùng lúc đó nhà máy tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất- lao động của Xí nghiệp Mỳ sợi bàn giao sang, tiếp tục đầu tư tổ chức lại sản xuất bánh, kẹo tại khu B, thay thế gói kẹo thủ công bằng tự động, tăng năng lực sản xuất, giải phóng sức lao động thủ công, dây chuyền đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm, tăng năng lực sản xuất kinh doanh của nhà máy và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
        
      Năm 1997, nhà máy tiếp tục đầu tư dây chuyền thiết bị bia công nghệ mới của cộng hòa Liên bang Đức công suất 5.000.000 lít, 3.000.000 lít nước giải khát /năm, xây dựng tại Khu B (xí nghiệp Mỳ sợi trước đây). Ngày sau đầu tư, sản phẩm sản xuất ra đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng khu vực phía Bắc, thị trường được mở rộng ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang và chỉ trong vòng hơn hai năm dây chuyền bia đã sản xuất, tiêu thụ vượt công suất thiết kế. Năm 1998 nhà máy đựơc đổi tên thành Công ty Đường rượu bia Việt Trì, với hai  sản phẩm mũi nhọn là đường và bia. 
        
    Mặc dù trong muôn vàn khó khăn, song dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, Ban giám đốc Công ty, cùng tập thể CBCNVC và người lao động đã năng động, sáng tạo, nhạy bén trong nền kinh tế thị trường, nỗ lực đưa nhà máy vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Đảng. Với những thành tích đó, năm 1993 nhà máy vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai; năm 1994 vinh dự được đón Chủ tịch Nước Lê Đức Anh về thăm và làm việc với cán bộ, đảng viên, công nhân viên của nhà máy. Đây là nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ, các thế hệ cán bộ, công nhân của nhà máy, tạo ra động lực mới thúc tinh thần lao động say mê, sáng tạo, tự lực vươn lên của nhà máy.
        
    Thực hiện chương trình 1.000.000 tấn đường vào năm 2000 của Chính phủ, được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tổng công ty Mía đường I, Công ty tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc với mục tiêu đạt 1.100ha đủ công suất ép cho dây chuyền. Quá trình thực hiện dự án không đạt chỉ tiêu kế hoạch do khi chuyển đổi cơ cấu quản lý từ bao cấp sang cơ chế thị trường, cây mía chịu sự cạnh tranh với nhiều cây trồng khác có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực hơn cây mía cho người nông dân, vùng quy hoạch mía tỉnh Vĩnh phúc bị co hẹp. Trước tình hình đó UBND tỉnh Phú Thọ đã Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía với diện tích 1.100ha, thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh. Với sự cố gắng hết mức của Công ty, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, sát sao của Tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo của tỉnh và Tổng công ty Mía Đường I. Kết quả đến năm 2002 mới chỉ đạt trên 800ha cho thu hoạch, thiếu nguyên liệu sản xuất, hàng năm Công ty phải tổ chức thu mua trên 30% mía ngoài vùng đầu tư nhưng cũng chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế. Thực trạng vùng nguyên liệu đầu tư diện tích không tập trung, không bền vững, cự ly vận chuyển xa, mía vùng đồi năng suất thấp do nắng hạn không đạt lợi ích cho người trồng, mía vùng bãi năng suất cao nhưng chất lượng thấp, chịu rủi do cao do lũ lụt, thiên tai, dẫn đến chi phí đầu tư, vận chuyển, sản xuất cao, giá đường bán thấp, hiệu quả kinh tế từ sản xuất đường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ đọng kéo dài. Mặt khác dây chuyền sản xuất đường tồn tại giữa thành phố công nghiệp và du lịch, tốc độ đô thị hóa cao, đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp nên không còn phù hợp. Được sự thống nhất chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng công ty Mía Đường I đồng ý cho công ty dừng sản xuất đường vụ 2003-2004 để chuyển hướng sản xuất.
     
    Thực hiện chủ trương dừng sản xuất đường, chuyển hướng tiếp tục phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm có thế mạnh đó là sản xuất Bia, NGK. Đầu tư nâng công suất nhà máy Bia từ 5 triệu lít lên 15 triệu lít/năm, sản xuất rượu, cồn; cơ cấu lại tổ chức, rà soát, hỗ trợ người lao động về nghỉ hưu theo Nghị định 41/CP. Thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa doanh nghiệp. Được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tổng công ty Mía Đường I Công ty đã tích cực xử lý các khó khăn về tài chính, lao động và đã giải quyết cho hơn 100 lao động tự nguyện xin nghỉ chế độ theo Nghị định 41 của Chính phủ, đảm bảo đầy đủ mọi chế độ, quyền lợi cho người lao động. 

Ngày 27/12/2006 Công tiến hành Đại hội đồng cổ đông sáng lập và chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty CP từ ngày 01/01/2007 và được đổi tên thành Công ty cổ phần bia rượu Viger. Do có sự chuẩn bị tốt trong quá trình thực hiện cổ phần hóa nên khi bước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần Công ty vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2005-2010 sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do Công ty phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều hãng bia, rượu lớn trong nước. Trước khó khăn, thách thức tập thể Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc đã phát huy truyền thống vượt khó, tự lực, tự cường, tận dụng tối đa các nguồn lực, đoàn kết thống nhất hoạch định chính sách, đề ra các phương án, biện pháp, giải pháp, phát huy nội lực để đạt mục tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đề ra. Bên cạnh việc triển khai các chiến lược kinh doanh mới, Công ty tổ chức thành lập Công ty TNHH một thành viên Viger Hà Nội. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, xây dựng, xây lắp và chuyên môn hóa công tác tiêu thụ sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, đi sâu mở rộng, phát triển thị trường,  nhờ vậy đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, Công ty đã xây dựng cơ chế phối hợp với các tổ chức chính trị đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức nêu cao tinh thần làm chủ, sáng tạo trong lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành sản xuất, tăng cường quản lý, giám sát; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển thị trường, kinh doanh thương mại, dịch vụ và xây lắp, đồng thời không ngừng chăm lo đảm bảo mọi chế độ, quyền lợi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ an toàn con người và tài sản của Công ty.

    Hiện tại công ty có hơn 150 cán bộ CNV; Có 03 Phân xưởng sản xuất đó là PX Bia có công suất 15 triệu lít/năm,Phân xưởng Rượu công suất 01triệu lít rượu/năm, Dây truyền SX nước giải khát công suất 05 triệu lít/năm; 4 phòng nghiệp vụ và 1 công ty trực thuộc đó là Cty TNHH một thành viên Viger Hà Nội, trụ sở tại 676 Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.